Đúc cho tầu Pháp.

Năm 1938 có một con tàu ngoại quốc vào “ăn hàng” tại cảng Hải Phòng và bị hỏng bộ phận giữ thăng bằng đuôi, gọi là “con rùa đối trọng”, nặng khoảng 1 tấn. Nhận được thông tin này, bằng lòng say mê lao động và kinh nghiệm bao năm trong nghề, chủ lò của làng đã xin mẫu về đúc thử. Các bễ nấu trong làng được tập trung thành 8 lò nổi lửa liên tục. Dưới bàn tay những người thợ lành nghề cùng với sự đồng tâm, hiệp lực của những người thợ, “con rùa đối trọng” hiện hữu trước sự ngỡ ngàng của cả chủ lẫn khách. Nghề đúc Mỹ Đồng từ đó mà vang xa. Sản phẩm của nghề đúc làng Mỹ Đồng đa dạng, phục vụ mọi lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng.

Giữ nghề hơn nửa thế kỷ.

Vào những năm 80 của thế kỉ XX, do hình thức đúc thủ công, mẫu mã hạn chế, thô sơ nên sản phẩm của Mỹ Đồng không thể cạnh tranh với các loại sản phẩm làm bằng công nghệ tiên tiến, nên làng nghề mai một dần. Năm 1992, để phục hồi lại nghề đúc truyền thống nhằm làm kế sinh nhai cho dân trong vùng, xã đã kêu gọi các thợ giỏi truyền nghề lại cho dân làng, nhờ đó nghề đúc Mỹ Đồng đã dần hồi sinh.

Nâng tầm

Mỹ Đồng ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại
Mỹ Đồng ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại
Người dân Mỹ Đồng hôm nay kế thừa, sáng tạo, đưa nghề đúc kim loại thành ngành kinh tế chính của địa phương. Đến nay, toàn xã có hơn 140 hộ đúc gang, 15 hộ đúc đồng, hàng chục xưởng cơ khí, rèn, dịch vụ đi kèm. Hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan trong lĩnh vực công nghệ sản xuất, thị trường với lợi thế về kinh nghiệm, giá cả lao động, vị trí “Trên bến dưới thuyền” gần các khu khai thác và đặc biệt thuật lợi cho giao thương trong nước cũng như quốc tế sản phẩm của làng nghề Mỹ Đồng có mặt ở khắp các thị trường trong nước, nước ngoài. Các sản phẩm trang trí hoa văn, bếp nướng, nắp ga, cột đèn bằng gang đúc,… được chủ công trình xây dựng ưa dùng. Nhiều mặt hàng đúc, cơ khí đạt chất lượng cao cung cấp cho ngành đóng tàu, lắp ráp xe máy, cơ khí chính xác như chân vịt tàu thủy, bạc biên, tăng bua, vỏ mô-tơ điện, máy bơm, chân máy khâu, khung xe máy… sản lượng ngành đúc đạt hơn 20 nghìn tấn/ năm, giá trị sản xuất đạt khoảng 500 tỷ đồng, thu hút gần 3000 lao động địa phương và các nơi. Thu nhập của người lao động 4-9 triệu đồng/ người/ tháng.